8 Cách chữa ho bằng lá hẹ đơn giản và hiệu quả tại nhà

0
1170
Chữa ho bằng lá hẹ
Chữa ho bằng lá hẹ

Từ xưa đến nay, cây hẹ luôn là loại cây phổ biến ở rất nhiều vùng miền Việt Nam. Cây sinh trưởng phát triển tốt nên được trồng và thu hoạch quanh năm. Cây hẹ được dùng với nhiều mục đích khác nhau, từ những món ăn quen thuộc dân dã hàng ngày như canh hẹ, hẹ xào trứng,… đến những vị thuốc cổ truyền chữa cảm mạo, táo bón, nhiễm trùng,… Tuy nhiên, trong dân gian hẹ hay được sử dụng để điều trị ho vì nó dễ kiếm, an toàn, lành tính với mọi đối tượng kể cả trẻ nhỏ và phụ nữ có thai. Hãy cùng LeadViet tìm hiểu về tác dụng chữa ho tuyệt vời của lá hẹ này nhé!

Tác dụng của lá hẹ trong điều trị ho

Lá hẹ có vị cay ngọt, tính ấm; quy 3 kinh can, tỳ, thận.

Theo Y học cổ truyền, thận chủ nạp khí – thận đóng vai trò điều tiết hoạt động hô hấp sau khi khí được nạp vào phế và chức năng này của thận liên quan mật thiết với chức năng chủ khí của phế nên những người mắc bệnh về phế muốn điều trị khỏi, dứt điểm phải dùng dùng thuốc bổ thận. Vì vậy, khi bị ho do phế hàn thì có thể dùng lá hẹ để hóa đờm, giảm ho.

Hàm lượng vitamin C dồi dào trong lá hẹ giúp cải thiện hệ miễn dịch một cách đáng kể. Chất này giúp cơ thể sản sinh ra nhiều kháng thể để chống lại các tác nhân xấu gây ho do vi khuẩn, virus; đồng thời giúp các tổn thương viêm, sưng ở niêm mạc cổ họng và đường hô hấp nhanh lành hơn.

Hoạt chất allicin chứa trong lá hẹ có hoạt tính sinh học cao, hoạt động như một chất kháng sinh tự nhiên giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại đối với cơ thể, đặc biệt là các chủng vi khuẩn gây cảm cúm. Chính vì vậy, nó thường được sử dụng trong các bài thuốc tiêu đờm và trị ho.

Xem thêm: 8 cách chữa ho bằng lá húng chanh (tần dày lá) đơn giản tại nhà

Cách trị ho bằng lá hẹ tại nhà hiệu quả nhất

Hẹ hấp đường phèn trị ho cho bé

Các bước làm lá hẹ hấp đường phèn
Các bước làm lá hẹ hấp đường phèn

Trong Đông y, đường phèn vị ngọt, tính bình, quy kinh tỳ và phế. Có tác dụng nhuận phế, chỉ khái, trừ đờm. Khi sử dụng cùng với lá hẹ vừa tăng tác dụng giảm ho mà còn làm bớt mùi hăng của lá hẹ và có vị ngọt làm cho trẻ nhỏ dễ uống hơn. Đây là cách làm tại nhà đơn giản, rất lành cho các bé.

Cách làm: lấy một ít lá hẹ rửa sạch sau đó cắt nhỏ cho vào bát và thêm một lượng vừa đủ đường phèn (không nên cho quá nhiều vì sẽ có vị ngọt lợ gây khó uống cho trẻ). Có thể hấp cách thủy hoặc hấp cơm. Hấp xong chắt lấy nước cốt cho bé uống. Uống 2 lần trong ngày, mỗi lần uống 2 – 3 thìa.

Mật ong lá hẹ trị ho có đờm

Mật ong từ lâu đã được coi như một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng chứa nhiều loại enzym, vitamin, các chất chống oxy hóa, các hợp chất có tính kháng khuẩn,… nên được sử dụng nhiều trong đời sống hàng ngày để làm đẹp, chữa lành vết thương, tiêu chảy,… Ngoài ra, nó còn có tác dụng để điều trị ho, nhất là ho có đờm. Vì vậy nó được dùng phối hợp với các vị thuốc khác để tăng tác dụng điều trị ho và long đờm.

Cách làm: tương tự như cách làm với lá hẹ hấp đường phèn. Cắt nhỏ lá hẹ để vào bát thêm mật ong rồi đem hấp cách thủy hoặc hấp cơm. Mỗi lần uống 2 – 3 thìa, ngày uống 2 – 3 lần tùy theo mức độ ho. Có thể ăn cả lá hẹ đã hấp nhừ, đối với trẻ nhỏ nên chắt lấy nước uống.

Lưu ý khi áp dụng phương pháp này: Mật ong có thể bị nhiễm các loại vi trùng trong các công đoạn thu thập và chế biến nhưng các hoạt chất trong mật ong có tính kháng khuẩn nên đã ngăn chặn được một lượng lớn vi khuẩn. Tuy nhiên, một số loại vi khuẩn sinh bào tử có chứa độc tố vẫn có thể sinh sản và phát triển được. Vậy nên, không nên dùng cho trẻ dưới 1 tuổi do hệ tiêu hóa của trẻ vẫn chưa được phát triển và hoàn thiện đầy đủ dễ gây ngộ độc.

Chữa ho bằng hỗn hợp lá hẹ, nghệ, chanh

Chữa bo bằng hỗn hợp lá hẹ - nghệ - chanh
Chữa bo bằng hỗn hợp lá hẹ – nghệ – chanh

Nghệ là một loại gia vị không thể thiếu trong căn bếp của mỗi gia đình Việt Nam và rất nhiều nước trên thế giới. Hoạt chất chính của nghệ là curcumin – là một loại kháng sinh tự nhiên giúp kháng khuẩn kháng virus, chống oxy hóa,… Chanh cũng là một loại cây phổ biến chứa acid citric có tác dụng sát khuẩn ngoài ra còn có tác dụng trị ho. Trong bài thuốc dân gian đã kết hợp của 3 vị thuốc là nghệ, lá hẹ, chanh để điều trị ho có tác dụng nhanh chóng.

Cách làm: Nghệ tươi được đem đi nướng chín vàng thơm, bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài rồi giã nhỏ, cùng với đó lấy chanh tươi thái thành từng lát mỏng và lá hẹ được cắt thành từng đoạn, trộn toàn bộ hỗn hợp này vào với nhau (có thể cho thêm một lượng vừa đủ đường phèn để dễ dùng). Đem hấp cách thủy khoảng 15 phút. Nên dùng ngày 2 lần đến khi cắt cơn ho.

Lá hẹ kết hợp với gừng trị ho cho bà bầu

Trong Y học cổ truyền, gừng tươi được gọi là sinh khương, là vị thuốc tân ôn giải biểu, quy vào kinh phế, tỳ; có tác dụng phát tán phong hàn, chữa cảm mạo phong hàn. Ngoài ra còn có tác dụng hóa đờm, chỉ ho. Các bài thuốc dân gian, thường kết hợp gừng với lá hẹ để trị ho rất an toàn và lành tính đối với các mẹ đang trong thời kì mang thai đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Bởi cách này không chỉ có tác dụng giảm ho, long đờm, làm ấm phổi mà còn giúp giảm chứng nôn nghén và cải thiện tình trạng đau bụng, rối loạn tiêu hóa do nồng độ hormone thay đổi đột ngột khi mang thai.

Cách làm: gừng tươi rửa sạch, gọt vỏ rồi thái nhỏ đem hấp cách thủy cùng với hẹ đã cắt nhỏ. Có thể hấp chung với một ít đường phèn để dễ ăn. Nên ăn hết cả phần thô và nước cốt để đạt hiệu quả cao nhất. Sử dụng ngày 2 lần đến khi cơn ho thuyên giảm.

Chườm lá hẹ trị ho có đờm cho bé

Với những trẻ không thích uống nước lá hẹ hấp với các loại dược liệu hoặc bị nôn khi sử dụng các bài thuốc nam chữa ho tại nhà thì có thể sử dụng phương pháp chườm lá hẹ để trị ho. Lá hẹ sao lên có tính ấm, tác dụng ôn trung khi bị ho do cảm mạo phong hàn.

Cách làm: lấy một nắm lá hẹ đem rửa sạch rồi đem sao trên chảo đến khi vàng và có mùi thơm. Bọc vào trong túi vải hoặc khăn. Chườm từ vùng ngực lên cổ để đẩy khí lạnh ra ngoài. Chườm từ 15 – 20 phút. Làm hàng ngày đến khi khỏi ho.

Cần lưu ý khi chườm trên da của trẻ: do da của bé vẫn còn mỏng nên trước khi chườm cần để nguội một chút. Không nên chườm ngay khi vừa sao xong vì sẽ gây bỏng cho trẻ.

Nước lá hẹ trị ho do cảm cúm

Uống nước lá hẹ là cách trực tiếp làm giảm các cơn ho xuất hiện thường xuyên khi nhà không có sẵn các vị thuốc khác như gừng, mật ong,… Đồng thời, phương pháp này còn giúp người bệnh cải thiện được tình trạng ngứa rát ở cổ và giảm đờm một cách hiệu quả.

Cách làm: rửa sạch lá hẹ với nước, thái nhỏ để chắt lấy nước hoặc xay ra. Sau đó cho vào hấp cách thủy hoặc hấp cơm. Uống ngày 2 lần đến khi triệu chứng ho thuyên giảm.

Chữa ho bằng cháo hẹ

Dùng cháo hẹ để trị ho
Dùng cháo hẹ để trị ho

Thay vì phải hấp lá hẹ với các vị thuốc khác, bạn có thể giảm ho và ho có đờm bằng nấu cháo lá hẹ ăn hàng ngày vừa nhanh, vừa tiện lợi lại rất dễ ăn. Bên cạnh tác dụng chữa ho, cháo lá hẹ còn làm giảm tình trạng chán ăn, kích thích vị giác, nâng cao thể trạng và giảm hiện tượng đau rát khi nuốt. Khi chế biến cháo lá hẹ, có thể phối hợp cùng với một số thực phẩm giàu dinh dưỡng hoặc có tác dụng giảm ho như gừng, trứng gà, hành tây,…

Cách làm: lấy gạo đun thành cháo sau đó cho lá hẹ đã thái hoặc xay nhừ vào khuấy đều. Đun tiếp đến khi lá hẹ chín. Dùng hàng ngày hoặc dùng xen kẽ với các bài thuốc giảm ho khác.

Bài thuốc trị ho bằng lá hẹ, hoa đu đủ đực và hạt chanh

Theo các nghiên cứu, hoa đu đủ đực chứa các thành phần hóa học: vitamin C, tanin, acid gallic,… có tác dụng tăng cường miễn dịch, hỗ trợ điều trị các bệnh lý về đường hô hấp.

Cách làm: rửa sạch hoa đu đủ và lá hẹ. Giã nát hoa đu đủ, lá hẹ và hạt chanh cùng với một lượng đủ đường phèn. Sau đó chắt lấy phần nước cốt uống ngày 3 – 4 lần mỗi lần 2 – 3 thìa. Duy trì đều đặn, cơn ho sẽ giảm rất nhanh và dứt hẳn.

Một số điểm lưu ý khi dùng lá hẹ trị ho

Tuy lá hẹ là một vị thuốc Đông y rất hữu hiệu trong việc điều trị ho tại nhà, nhưng không nên cho trẻ sử dụng thường xuyên và lâu dài do dễ làm trẻ bị phồng rộp lưỡi gây mất cảm giác ở lưỡi. Khi dùng quá nhiều trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ.

Để tăng hiệu quả của bài thuốc nên dùng khi chưa qua nhiệt vì khi dùng ấm lá hẹ có tính ấm mới phát huy được tác dụng.

Cần lưu ý khi sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi do hệ tiêu hóa chưa phát triển đầy đủ nên dễ gây tiêu chảy và nặng hơn là gây ngộ độc.

Lá hẹ có vị cay, tính ấm nên không thích hợp với người bị âm hư hỏa vượng do lá hẹ có tính ấm nếu dùng cho người bị âm hư hỏa vượng sẽ khiến phần âm càng suy yếu đi và “nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng”.

Hẹ chứa hàm lượng chất xơ cao nên có thể gây ra các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu nếu ăn quá nhiều. Không nên ăn hẹ quá nhiều cùng một lúc.

Khi dùng lá hẹ chữa ho, nên ngâm rửa sạch với nước muối và hấp chín hoàn toàn để giảm thiểu nguy cơ đau bụng, tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, không nên hấp quá lâu vì sẽ làm giảm tác dụng điều trị.

Cách chữa ho theo các bài thuốc dân gian bằng lá hẹ chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng. Vì vậy nên thăm khám để xác định nguyên nhân gây ho và sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ khi có dấu hiệu bệnh nặng hơn.

Tác dụng chữa bệnh của lá hẹ phụ thuộc nhiều vào cơ địa và mức độ bệnh. Nếu không nhận thấy tác dụng ho thuyên giảm khi áp dụng các phương pháp thì nên đến các cơ sở y tế thăm khám.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây