Nguyên nhân trẻ bị ho khi ngủ
Ho khi ngủ là triệu chứng bệnh hô hấp thường gặp ở cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ho nhiều khiến trẻ khó thở và tức ngực, ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Ho được coi là phản ứng bảo vệ của đường hô hấp để đẩy chất kích thích, vật cản ra khỏi đường hô hấp. Vào ban ngày trẻ ở tư thế vận động nên dễ dàng tiết chất nhày ra ngoài nên trẻ không ho hoặc ho ít. Còn khi về đêm, dưới nhiều tác động khiến các chất nhày tiết ra nhưng không được loại bỏ ra ngoài kích thích trẻ ho nhiều, ho đến mất ngủ. Cùng tìm hiểu các nguyên nhân khiến trẻ bị ho khi ngủ để giúp cha mẹ có các biện pháp phòng tránh thích hợp:
- Nhiệt độ xuống thấp: khi đếm xuống, nhiệt độ thường hạ thấp hơn so với ban ngày hoặc khi cha mẹ dùng điều hòa làm giảm nhiệt độ gây kích thích cổ họng của trẻ. Tình trạng này dễ xuất hiện hơn trong những ngày hanh khô hay vào mùa đông. Để hạn chế tình trạng này cha mẹ không nên bật điều hòa dưới 25 độ C và nên đảm bảo giữ ấm cổ họng cho trẻ.
- Do dị ứng: Khi ngủ trẻ có thể hít phải các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông thú, bụi mịn gây kích thích cổ họng khiến trẻ bị ho. Trẻ bị ho do dị ứng thường mắc kèm các triệu chứng như hắt hơi, sưng, ngứa họng, ngứa mắt…
- Viêm họng: Ho được coi là một trong những triệu chứng điển hình của viêm họng. Do khi viêm họng thường tiết ra nhiều dịch nhày làm kích thích đường hô hấp gây ho.
- Bệnh hen suyễn: trong nhiều trường hợp, tình trạng ho về đêm của trẻ thường liên quan đến bệnh hen suyễn. Khi trẻ ho do hen suyễn, trẻ thường ho khục khặc từng cơn rất khó chịu. Hen suyễn còn khiến đường thở của trẻ bị viêm và thu hẹp làm trẻ bị nghẹt mũi và khó thở khi ngủ.
- Viêm xoang: là tình trạng viêm nhiễm ở lớp niêm mạc hô hấp lót trong xoang có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, bao gồm cả trẻ em. Khi viêm xoang sẽ gây phù nề và tăng tiết dịch nhày khiến trẻ ngạt mũi, đến đêm dịch nhày theo đường hô hấp xuống cổ họng gây kích ứng niêm mạc họng khiến trẻ ngứa họng và ho.
- Trào ngược dạ dày, thực quản: khi trẻ ăn quá nhiều trước khi ngủ làm thức ăn chưa tiêu hóa hết gây trào ngược dạ dày, thực quản. Acid dịch vị trào ngược lên làm kích ứng hệ thần kinh đường khí quản khiến trẻ bị ho. Đây cũng được coi là một nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị ho.
- Thiếu sắt: cổ họng bị sưng và kích ứng khi trẻ bị thiếu sắt dẫn đến tình trạng ngứa họng và ho.
- Một vài nguyên nhân khác: trẻ bị ho có thể là triệu chứng của một số bệnh đường hô hấp như hen phế quản, viêm phổi,… Hoặc do điều kiện thời tiết, phòng ngủ vệ sinh không sạch hay dị vật đường thở… cũng là các nguyên nhân khiến trẻ bị ho.
Cách trị ho vào ban đêm cho trẻ bằng thuốc Tây
Được coi là phương pháp trị ho hiệu cho quả cho trẻ, tuy nhiên cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ hoặc dược sĩ.
- Thuốc giảm ho: nhóm thuốc này ức chế nhẹ trung tâm hô hấp và giảm những cơn ho của trẻ. Nên sử dụng các thuốc ho có thành phần tự nhiên để đảm bảo an toàn khi sử dụng cho trẻ như siro ho Prospan, bổ phế Nam Hà…
- Thuốc kháng sinh: trong nhiều trường hợp ho có thể do nhiễm khuẩn, để trị ho cần sử dụng kháng sinh. Các kháng sinh thường dùng trong điều trị ho như kháng sinh nhóm penicillin, cephalosporin… Tuy nhiên không được tự ý dử dụng kháng sinh mà cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc tiêu đờm: Thuốc tiêu đờm được sử dụng để làm long tiết dịch từ niêm mạc phế quản, khí quản. Thuốc có tác dụng giảm độ nhớt của đờm từ đó đờm có thể dễ dàng tống ra ngoài. Khi trẻ ho có đờm thường sử dụng các thuốc như carbocystein, bromhexin, acemuc…
- Thuốc kháng viêm: Thuốc có tác dụng giảm tình trạng sưng viêm cổ họng.
Đơn thuốc cần được kê theo cân nặng, tình trạng bệnh của trẻ. Đảm bảo tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ không tự ý sử dụng thuốc hay dùng lại đơn thuốc cũ.
Xem thêm: [REVIEW 2020] Top 10 siro trị ho cho trẻ em tốt nhất hiện nay
Cách chữa ho cho bé khi ngủ bằng mẹo dân gian tại nhà
Củ cải trắng
Trong củ cải trắng có tính chất mát, chứa nhiều chất xơ, nước, các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất… có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm tốt. Do vậy củ cải trắng thích hợp để hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, ho khan ở trẻ nhỏ. Một số cách trị ho cho trẻ bằng củ cải trắng các mẹ có thể áp dụng:
- Uống nước củ cải: Củ cải được làm sạch sau đó đun sôi với nước. Để ấm rồi cho trẻ sử dụng nhiều lần trong ngày. Việc uống nước củ cải có tác dụng trị đau họng, khô mũi, ho.
- Củ cải kết hợp gừng và mật ong: Củ cải gọt vỏ, làm sạch rồi ép lấy nước. Đun sôi khoảng 10 phút nước củ cải ép cùng gừng đã được thái lát, sau đó thêm mật ong. Chắt lấy nước cho trẻ uống thường xuyên, phương pháp thích hợp với trẻ em trên 1 tuổi.
- Củ cải đường phèn: Củ cải được bào sợi và cho lọ thủy tinh chứa đường phèn, đậy kín nắp. Sau một đêm cho trẻ sử dụng trực tiếp hoặc pha với nước ấm.
Nghệ tươi
Thành phần chính trong nghệ chứa curcumin- được coi là thần dược có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn tốt thích hợp để làm giảm các triệu chứng ho, đau họng. Các cách trị ho về đêm cho trẻ bằng nghệ tươi:
- Nghệ kết hợp đường phèn: Nghệ được giã nhuyễn thêm nước lọc, đường phèn vào bát và hấp cách thủy. Cho trẻ sử dụng 2 lần/ngày khi còn ấm.
- Nghệ kết hợp mật ong: Nghệ được làm sạch, xay nhuyễn, sau đó kết hợp với mật ong. Chắt lấy nước và cho trẻ sử dụng 2-3 lần/ ngày, để tránh ngộ độc chỉ sử dụng cho trẻ trên 1 tuổi.
- Nghệ kết hợp trầu không: Nghệ và trầu không được làm sạch rồi xay nhuyễn, sau đó cho vào bát nước sôi để nguội. Chắt lấy nước và cho trẻ sử dụng
Nước mật ong ấm
Dùng nước mật ong chữa ho là một phương pháp được nhiều người sử dụng. Mật ong được coi là một kháng sinh tự nhiên có khả năng sát khuẩn tốt, giúp đẩy lùi cơn ho và làm dịu họng. Lưu ý phương pháp chỉ áp dụng cho trẻ trên 1 tuổi để tránh ngộ độc. Sử dụng nước mật ong ấm là phương pháp đơn giản dễ thực hiện, chỉ cần pha mật ong với nước ấm rồi sử dụng hàng ngày.
Nước vo gạo với diếp cá
Đây được xem là một trong những phương pháp trị ho hiệu quả nhất cho trẻ. Trong thành phần của nước vo gạo và lá diếp cá đều có các chất có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm hiệu quả. Các bước cần thực hiện:
- Rửa sạch lá diếp cá sau đó đem xay nhuyễn
- Ngâm gạo với ít nước để chắt thu được nước vo gạo đặc
- Đun lá diếp cá với nước vo gạo khoảng 15-20 phút
- Chắt lấy phần nước cho trẻ uống thường xuyên
- Nếu trẻ cảm thấy khó uống có thể cho thêm đường để vị dễ uống hơn
Lá hẹ
Lá hẹ có rất nhiều công dụng, lá không chỉ dùng để chữa táo bón, đái dầm ở trẻ mà còn có khả năng hỗ trợ chữa ho, cảm mạo hữu hiệu cho trẻ. Trong lá hẹ có chứ thành phần odorin- là chất có tác dụng kháng khuẩn, tăng cường miễn dịch và nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Các cách trị ho cho trẻ với lá hẹ:
- Lá hẹ chưng với mật ong: rửa sạch 7-10 lá hẹ rồi để ráo nước, cắt nhỏ cho vào chén sứ. Thêm khoảng 1 thìa mật ong sau đó hấp cách thủy khoảng 15-20 phút. Để nguội rồi cho trẻ sử dụng để tiêu đờm, giảm ho. Không sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi do có thể ngộ độc mật ong.
- Lá hẹ kết hợp đường phèn: cách làm tương tự như lá hẹ chưng mật ong. Đầu tiên rửa sạch 7-10 lá hẹ rồi để ráo nước, cắt nhỏ cho vào chén sứ. Thêm khoảng 3 thìa đường phèn, hấp cách thủy cho đến khi lá hẹ mềm và đường phèn tan hết. Để nguội rồi cho trẻ uống 2-3 lần/ ngày.
Lá húng chanh
Lá húng chanh có chứa hoạt chất cavaron có tác dụng giảm ho, tiêu đờm hiệu quả. Cách trị ho cho trẻ bằng lá húng chanh thực hiện khá đơn giản:
- Lá húng chanh rửa sạch rồi xay nhuyễn
- Hòa với nước sôi và thêm ít đường phèn
- Khuấy đều và hãm khoảng 10-15 phút
- Chắt lấy nước cho trẻ uống 2-3 lần/ngày
Cách chữa ho cho bé khi ngủ hiệu quả mẹ nên áp dụng ngay
Dùng nước muối loãng để rửa mũi, họng
Trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp và ho nhiều khi ngủ nếu không được vệ sinh mũi họng sạch sẽ. Do đó để phòng tránh nguyên nhân gây ho này cha mẹ cần vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối loãng. Việc sử dụng nước muối loãng giúp loại bỏ vi khuẩn, giảm đờm, se khít niêm mạc giúp trẻ dễ chịu và ít ho hơn.
Ngâm chân trẻ bằng nước gừng
Việc ngâm chân cho trẻ bằng nước gừng có hiệu quả tốt với trẻ bị ho do cảm phong hàn do gừng có tác dụng phát tán phong hàn.
Cách thực hiện khá đơn giản: gừng to đập dập rồi đun với tầm 2l nước, đung khoảng 15-20 phút. Để nước nguội đến tầm 40oC thì cho trẻ ngâm chân trong 10 phút sau đó lau khô chân cho trẻ.
Xoa dầu nóng vào lòng bàn chân, tay, cổ chống cảm lạnh
Một trong những nguyên nhân gây ho ở trẻ là do trẻ nhiễm lạnh về đêm. Để hạn chế tình trạng này trước khi ngủ mẹ nên xoa chút dầu nóng vào lòng bàn chân, bàn tay và cổ của trẻ để đảm bảo giữ ấm. Khi trời lạnh các mẹ nên đi tất cho trẻ và đắp kĩ phần chân cho trẻ. Đây được coi là cách chữa ho về đêm đơn giản mà hiệu quả.
Không cho trẻ ăn sát giờ ngủ
Việc ăn sát giờ ngủ khiến trẻ không tiêu hóa hết thức ăn khi ngủ gây tăng tiết dịch vị, trào ngược dạ dày- thực quản làm trẻ bị ho.
Kê cao gối cho trẻ khi ngủ
Kê cao gối giúp tránh hiện tượng trào ngược dạ dày- thực quản, từ đó tránh được ho do nguyên nhân nhân này. Các mẹ nên kê cao tầm 15-20cm cho trẻ, đây là kích thước thích hợp giúp trẻ dễ thở hơn, đường hô hấp thông thoáng và trẻ ngủ ngon hơn.
Sử dụng máy phun sương, máy tạo độ ẩm
Không khí hanh khô thường gây kích ứng cổ họng khiến trẻ bị ngứa họng, ho. Việc sử dụng máy phun sương, máy tạo độ ẩm giúp làm tăng độ ẩm không khí giúp cổ họng trẻ không bị khô tránh gây ho. Lưu ý khi sử dụng cần vệ sinh máy thường xuyên để tránh nhiễm khuẩn và nấm mốc.
Xông hơi bằng dầu khuynh diệp
Dầu khuynh diệp có tác dụng làm dịu họng và long đờm tốt, các mẹ có thể xông hơi bằng dầu khuynh diệp trước khi tắm cho trẻ.
Cách phòng tránh bị ho về đêm cho trẻ
Một số cách phòng tránh ho về đêm cho trẻ các mẹ nên áp dụng:
- Cho trẻ uống nhiều nước, vì khi cơ thể thiếu nước đờm sẽ đặc lại khó ho ra ngoài.
- Đảm bảo giữ ấm cho trẻ, đặc biệt ở chân, tay, cổ.
- Hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt và đồ lạnh, vì những đồ ăn này sẽ càng làm tiết nhiều đờm.
- Nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách tập thể dục, bổ sung vitamin C…
- Không nên để nhiệt độ điều hòa quá thấp, tốt nhất là không dưới 25oC.
- Khi trẻ có dấu hiệu ho, cha mẹ không được tự ý sử dụng thuốc mà cần đưa trẻ thăm khám bác sĩ.