Bệnh viêm phổi do phế cầu: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị & phòng ngừa

1
4207
Viêm phổi do phế cầu
Ảnh: Viêm phổi do phế cầu

Thời tiết chuyển mùa, nắng mưa thất thường dẫn đến nhiều bệnh lý về hô hấp, khiến khoa hô hấp của nhiều bệnh viện quá tải. Một trong những bệnh lý nguy hiểm và phổ biến ở đường hô hấp dưới là viêm phổi. Ước tính hằng năm, số người tử vong do viêm phổi lên đến hàng triệu người trên thế giới. Viêm phổi có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như viêm phổi do vi khuẩn, do virus, do nấm hay viêm phổi bệnh viện. Nguyên nhân chủ yếu thường gặp nhất là viêm phổi do vi khuẩn  Streptococcus pneumoniae (S. pneumoniae). Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về viêm phổi do phế cầu (S.pneumoniae) chẩn đoán và hướng dẫn điều trị bạn nhé.

Viêm phổi do phế cầu là bệnh gì?

Viêm phổi do phế cầu là bệnh lý phổ biến nhất hiện nay trong các viêm phổi do vi khuẩn. Phế cầu xâm nhập vào phế nang gây viêm, làm ảnh hưởng đến chức năng phổi cũng như cả cơ thể. Một số yếu tố nguy cơ cao có thể dẫn đến viêm phổi do phế cầu:

  • Suy giảm miễn dịch: trong viêm gan B, HIV/AIDS, cúm,…
  • Các bệnh lý máu ác tính, bệnh về tai-mũi-họng, COPD- tắc nghẽn đường hô hấp,…
  • Sử dụng chất kích thích hay chất gây nghiện: rượu bia, ma túy,…
  • Cơ thể suy yếu, còi xương, suy dinh dưỡng,…
  • Thời tiết lạnh, chuyển mùa hay nóng lạnh thất thường.

Viêm phổi do phế cầu nguy hiểm không?

Viêm phổi do phế cầu nói riêng, và viêm phổi do nhiều nguyên nhân khác nói chung rất nguy hiểm, nhất là với người già và trẻ nhỏ. Theo các nghiên cứu, số người bị ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống do viêm phổi gây ra lên lên đến 450 triệu người trên toàn thế giới. Căn bệnh này có thể lây lan và gây tử vong trên mọi đối tượng, mọi lứa tuổi đặc biệt là ở người già, trẻ em, người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch và thường có tỉ lệ lây nhiễm cao ở các nước đang phát triển. Một kết quả nghiên cứu ở Hoa Kỳ vào năm 2009 cho biết viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 8 trong các căn bệnh có số lượng người tử vong lớn nhất. Mỗi năm có đến hơn 4 triệu người mắc bệnh viêm phổi, nguyên nhân chủ yếu là do phế cầu. Trong số đó, số người tử vong hơn 40 000 người. Những con số này khẳng định mức độ nguy hiểm của viêm phổi do phế cầu ra rất cao.

Nguyên nhân của bệnh viêm phổi do phế cầu

Nguyên nhân của bệnh viêm phổi do phế cầu
Ảnh: Nguyên nhân của bệnh viêm phổi do phế cầu

Streptococcus pneumoniae (S. pneumoniae) hay còn gọi là phế cầu, là vi khuẩn gram dương thuộc chi Streptococcus có vỏ bọc. Phế cầu có trên 90 typ huyết thanh với mức độ độc tính khác nhau. Trong đó, các typ gây nên các bệnh lý nguy hiểm ở người lớn thường là typ 1, 3, 4, 7, 8, 12 và ở trẻ nhỏ thường là các typ 6, 14 và 23. Loài vi khuẩn này được tìm thấy ở mũi họng của người khỏe mạnh bình thường, không gây bệnh. Tuy nhiên, khi gặp các yếu tố thuận lợi ví dụ như suy giảm miễn dịch ở người già, trẻ nhỏ, vi khuẩn này sẽ di chuyển đến nhiều cơ quan của cơ thể, chủ yếu thuộc đường hô hấp để gây bệnh. Một số bệnh lý do phế cầu gây ra nhiều bệnh cấp tính cũng như mãn tính nguy hiểm như: viêm phổi, viêm tai giữa, viêm mũi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết,… Phế cầu dễ dàng lây qua đường hô hấp, đặc biệt là khi:

Hít phải phế cầu từ môi trường bên ngoài: bệnh viện, trường học, nơi công cộng, nói chuyện hay tiếp xúc với người bệnh,…

Hít phải phế cầu từ đường hô hấp trên xuống: phế cầu khuẩn cư trú tại hầu họng người bình thường mà không gây bệnh.

Phế cầu khuẩn từ ổ nhiễm khuẩn xa theo đường máu di chuyển đến phổi.

Dấu hiệu của viêm phổi do phế cầu

Dấu hiệu của viêm phổi do phế cầu
Ảnh: Dấu hiệu của viêm phổi do phế cầu

Lâm sàng: khởi phát đột ngột với các triệu chứng sau:

  • Sốt rét: ban đầu rét run theo cơn khoảng 30 phút, kèm theo sốt tăng nhanh lên 38-40 °C. Lúc này, khi nhiệt độ cơ thể tăng cao, nguy cơ xảy ra co giật ở trẻ là rất lớn.
  • Đau ngực: đau dữ dội ở vùng phổi bị tổn thương.
  • Ho khan. Sau hai ngày bệnh khởi phát, có thế ho khạc đờm lẫn tia máu,  máu tươi hay máu đông đặc khiến đờm có màu hồng nhạt hay màu rỉ sắt. Giai đoạn lui bệnh, đờm nhày mủ vàng.
  • Toàn thân: mệt mỏi, đau đầu, mặt đỏ ửng một bên má hay cả hai bên má, vã mồ hôi, thiểu niệu, khó thở, mạch nhanh, có thể nôn hay buồn nôn.

Một số trường hợp, giai đoạn bệnh khởi phát lặng lẽ bởi nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (viêm tai-mũi-họng, viêm phế quản,…) khiến người bệnh chủ quan không thăm khám kịp thời.

Khám thực thể phổi: Giai đoạn khởi phát, ran nổ, rì rào phế nang giảm. Giai đoạn toàn phát, xuất hiện hội chứng đông đặc phổi ngày càng rõ rệt hơn: gõ đục, rung thanh tăng, rì rào phế nang mất hẳn, tiếng thổi ống.

Cận lâm sàng:

  • X-quang phổi: hình ảnh phổi đông đặc, có thể xuất hiện tràn dịch màng phổi.

Xét nghiệm:

  • Tỷ lệ bạch cầu tăng, đặc biệt là bạch cầu trung tính tăng cao.
  • Cấy máu có thể phát hiện phế cầu khuẩn.

Tiến triển:

  • Sốt liên tục 39-40 °C trong một tuần đầu.
  • Ho khạc đờm đặc quánh và có mủ vàng.
  • Toàn thân: có thể vàng da và vàng mặt nhẹ, sau một tuần nhiệt độ cơ thể giảm dần về bình thường, vã mồ hôi, đi đái được, bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn.
  • Phổi: có thể vẫn còn hội chứng đông đặc.
  • Trường hợp không có phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời, bệnh có thể tiến triển theo chiều hướng xấu gây truy tim mạch, phù phổi hay viêm màng tim mủ,… dẫn đến khó thở, tím môi, mạch loạn không đếm được, huyết áp tụt nhanh,… tử vong.

Biến chứng của viêm phổi do phế cầu

Hiện nay, tuy đã có hướng dẫn phác đồ điều trị cụ thể nhưng việc sử dụng kháng sinh bừa bãi dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh cao đã làm tăng nguy cơ các biến chứng của bệnh viêm phổi do phế cầu. Một số biến chứng thường gặp:

Biến chứng tại phổi:

  • Áp xe phổi thùy: chủ yếu do điều trị kháng sinh không đủ liều, thời gian hay lựa chọn loại không phù hợp.
  • Viêm phổi mạn: điều trị không dứt điểm gây tình trạng xơ hóa không hồi phục phổi.
  • Tràn dịch màng phổi: dịch thanh màu đỏ, có mủ.

Biến chứng tim mạch:

  • Viêm màng ngoài tim mủ.
  • Suy tim.
  • Nhịp nhanh ngoài tâm thu, rung nhĩ, tụt huyết áp,…

Biến chứng tại tiêu hóa:

  • Suy gan do tình trạng hủy huyết ở phần phế nang bị tổn thương.
  • Liệt hồi tràng, tiêu chảy: thường gặp ở trẻ em.

Biến chứng thần kinh: vật vã, tinh thần không tỉnh táo, nói mê (đặc biệt ở người cao tuổi, người sử dụng chất kích thích hay chất gây nghiện).

Biến chứng xa: viêm nội tâm mạc, viêm thận, viêm khớp, viêm màng não,…’

Phương pháp chẩn đoán viêm phổi do phế cầu

Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán viêm phổi do phế cầu
Ảnh: Chẩn đoán viêm phổi do phế cầu
  • Khởi phát rầm rộ và đột ngột với những triệu chứng điển hình: rét run theo cơn kèm sốt cao, đau ngực, hội chứng nhiễm khuẩn xuất hiện qua công thức máu và toàn thân.
  • Hội chứng đông đặc phổi.
  • X-quang phổi phát hiện tổn thương.

Chẩn đoán phân biệt

  • Xẹp phổi.
  • Nhồi máu phổi.
  • Ung thư phổi.
  • Giãn phế quản.

Điều trị viêm phổi do phế cầu

Điều trị nguyên nhân

Cách điều trị viêm phổi do phế cầu
Ảnh: Cách điều trị viêm phổi do phế cầu

Viêm phổi do vi khuẩn phế cầu cần điều trị bằng kháng sinh để loại bỏ nguyên nhân dứt điểm, tránh tái phát. Thông thường, bác sĩ sẽ kê kết hợp các kháng sinh phổ rộng cho bệnh nhân. Tuỳ thuộc vào tình trạng tiến triển của bệnh, thuốc được dùng đường uống hay cả đường tiêm tĩnh mạch. Đối với những trường hợp nhiễm chủng phế cầu kháng kháng sinh, cần lập kháng sinh đồ để tìm sự kết hợp kháng sinh có tác dụng điều trị đối với chủng phế cầu mà bệnh nhân nhiễm phải.

Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh tại nhà khi thấy các dấu hiệu của bệnh mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Vì sử dụng kháng sinh bừa bãi, không phù hợp loại kháng sinh, thời gian hay liều sẽ gây tình trạng kháng kháng sinh. Đồng thời, khiến diễn biến bệnh khó lường trước được và dễ gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Viêm phổi do phế cầu có nguy cơ cao gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng lên nhiều hệ cơ quan trong cơ thể nên cần được theo dõi tiến triển bệnh tại các cơ sở y tế.

Điều trị triệu chứng

  • Giảm đau, hạ sốt: paracetamol, aspirin,…
  • Nếu người bệnh khó thở, tiếng thở rít: sử dụng thuốc hen như ephedrine, theophyllin,…

Điều trị hỗ trợ

  • Thở oxy đối với trường hợp khó thở nặng.
  • Chế độ ăn và chế độ chăm sóc đặc biệt.

Phòng ngừa viêm phổi phế cầu

Phòng bệnh không đặc hiệu

Giữ ấm cơ thể giảm nguy cơ viêm phổi do phế cầu
Ảnh: Giữ ấm cơ thể giảm nguy cơ viêm phổi do phế cầu
  • Giữ ấm cơ thể trong thời tiết chuyển mùa hay mùa đông, đặc biệt là phần mũi họng, ngực.
  • Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và luyện tập hợp lý.
  • Hạn chế các thói quen xấu như uống nước lạnh, uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích,…
  • Cẩn thận khi tiếp xúc khoảng cách gần với bệnh nhân viêm phổi do phế cầu trong các trường hợp: đến viện thăm hay chăm sóc người nhà bị viêm phổi, tiếp xúc với bệnh nhân khoa hô hấp,…
  • Điều trị dứt điểm các bệnh tai-mũi-họng: viêm họng, viêm mũi, viêm tai giữa, hen phế quản, COPD,…

Phòng bệnh đặc hiệu bằng vaccine

Đây là cách phòng ngừa viêm phổi do phế cầu cũng như các bệnh lý do phế cầu hiệu quả và nhanh chóng nhất. Hiện tại, trên thị trường có nhiều loại vaccine phế cầu có khả năng chống 10-13 chủng phế cầu. Một số loại vaccine phế cầu được các trung tâm tiêm chủng ưu tiên giới thiệu như:

  • Vaccine Synflorix: được chỉ định đối với các bé từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi, có tác dụng trên phế cầu thuộc 10 typ huyết thanh thường gặp và gây nhiều bệnh về hô hấp trên trẻ em: 1, 4, 5, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19F và 23F. Đây là vaccine có nguồn gốc từ Bỉ và có giá 1 020 000 đồng/ mũi. Liệu trình tiêm chủng tùy thuộc tuổi và cơ địa của trẻ, trẻ cần tiêm 2-4 mũi để đảm bảo vaccine phát huy tác dụng.
  • Vaccine Prevenar 13: được chỉ định với trẻ từ 6 tuần tuổi và cả người lớn – đối tượng không thể tiêm vaccine Synflorix, có tác dụng trên phế cầu thuộc 13 typ huyết thanh gây bệnh trên cả trẻ nhỏ và người lớn, cụ thể: 1, 3, 4, 5, 6A, 6B, 7F, 9V , 14, 18C, 19A, 19F và 23F. Vaccine Prevenar 13 có xuất xứ từ Anh và đang có giá 1 300 000 đồng/ mũi. Lịch trình tiêm chủng cho trẻ từ 2-3 mũi, người lớn chỉ cần một sử dụng 1 mũi duy nhất.
  • Vaccine Pneumo 23: chỉ định với trẻ từ hai tuổi trở lên và người lớn, tác dụng trên 23 typ huyết thanh:  1, 2, 3, 4, 5, 6B, 7F, 8, 9N, 9V, 10A, 11A, 12F, 14, 15B, 17F, 18C, 19A, 19F, 20, 22F, 23F, 33F. Tác dụng lên nhiều chủng phế cầu nhưng loại vaccine do Pháp sản xuất này có nhiều tác dụng không mong muốn lên người sử dụng. Nên hiện tại các trung tâm tiêm chủng rất ít nơi có sẵn loại vaccine này.

Một số câu hỏi thường gặp

Viêm phổi do phế cầu có lây không?

Có. Phế cầu thường được tìm thấy ở hầu họng của người bình thường mà không gây bệnh. Khi hít phải giọt bắn từ nước bọt lúc nói chuyện với người bệnh, bạn hoàn toàn có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến phế cầu, trong đó bao gồm viêm phổi.

Viêm phổi do phế cầu có chữa được không?

Có. Phế cầu là vi khuẩn Gram dương nên hoàn toàn có thể sử dụng kháng sinh để loại bỏ nguyên nhân gây viêm phổi do phế cầu. Đồng thời kết hợp các thuốc điều trị triệu chứng để bệnh nhân hạ sốt, giảm đau, giảm ho,… cho bệnh nhân. Tuy nhiên, viêm phổi do phế cầu vẫn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Tốt nhất nên phòng tránh đặc hiệu bệnh bằng vaccine phòng phế cầu để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và xã hội.

Trên đây là một số thông tin về bệnh viêm phổi do phế cầu. Mong bài viết hữu ích với bạn đọc, chúc bạn có nhiều sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống!

Xem thêm:

Nuốt nước bọt đau họng là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây