Viêm họng hạt là tình trạng bệnh lý xuất hiện do niêm mạc vùng hầu họng viêm nhiễm kéo dài và tái phát nhiều lần, hệ quả các mô lympho ở thành sau họng hoạt động quá mức và phình lên gây khó chịu. Bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào và tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng tăng cao. Do vậy cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời để không để lại những biến chứng nguy hiểm.
Điều trị viêm họng hạt như thế nào?
Muốn điều trị viêm họng hạt có hiệu quả thì cách tốt nhất cần tìm ra căn nguyên gây bệnh rồi loại bỏ căn nguyên này. Có 2 phương pháp điều trị viêm họng hạt chính:
Điều trị bằng thuốc
Các thuốc Tây y được chỉ định trong điều trị viêm họng hạt:
- Thuốc kháng sinh: Penicillin, Amoxicillin, Cefazolin,… có tác dụng loại bỏ các ổ nhiễm khuẩn ở họng. Kháng sinh có thể sử dụng đường tiêm hay thuốc dạng xịt, viên ngậm.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Ibuprofen, Naproxen,..
- Thuốc ho: Codein, Dextromethorphan,…
- Thuốc làm loãng dịch đờm Alphachymotrypsin
- Thuốc chống viêm corticoid kết hợp với thuốc kháng H1 (thuốc điều trị dị ứng)
Ngoài ra có thể điều trị viêm họng hạt bằng các bài thuốc Đông y. Đa phần các thuốc Đông y sử dụng trong bệnh này thường mang các tác dụng: bổ phế, giảm viêm, giải độc, làm mát và tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Điều trị bằng đốt họng hạt
Đốt họng hạt thực chất là thủ thuật sử dụng các tia laser hoặc nhiệt để đốt các hạt viêm ở thành sau họng. Đốt họng hạt thường là phương pháp điều trị cuối cùng mà bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân. Phương pháp thường được áp dụng trong trường hợp viêm họng hạt mạn tính, hay khi tình trạng tiến triển nặng làm các hạt to lên và người bệnh không đáp ứng với thuốc nữa.
Do đó ngay khi có những dấu hiệu của viêm họng hạt thì người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chỉ dẫn điều trị theo phương pháp phù hợp.
Có nên đi đốt họng hạt không? Khi nào nên đốt họng hạt?
Đốt họng hạt thường chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng chứ không thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh. Đồng thời đốt họng hạt cũng dễ để lại sẹo, thậm chí gây ra các biến chứng nguy hiểm sau khi đốt. Ngoài ra đốt thường chỉ hiệu quả với những hạt to, do vậy những hạt nhỏ li ti còn lại dễ phát triển làm bệnh tái phát. Do đó việc đốt họng hạt thường chỉ được áp dụng sau khi đã cân nhắc giữa hai yếu tố lợi ích và nguy cơ. Bác sĩ thường chỉ áp dụng phương pháp này trong trường hợp thật sự cần thiết, khi bệnh tiến triển nặng và bệnh nhân không còn đáp ứng với thuốc nữa
Đốt họng hạt có gây đau không? Đốt họng hạt có ảnh hưởng tới sức khỏe không?
Việc đốt họng hạt thường không gây đau do bệnh nhân được tiêm thuốc gây tê niêm mạc, chủ yếu là cảm thấy khó chịu do có thiết bị chọc vào cổ họng. Quá trình đốt họng hạt khá đơn giản và thường diễn ra nhanh chóng. Theo các chuyên gia việc đốt họng hạt không làm ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh, sau khi đốt người bệnh được phép xuất viện ngay, đồng thời các triệu chứng khó chịu do viêm họng hạt sẽ biến mất.
Ưu điểm, nhược điểm của phương pháp đốt họng hạt
Mỗi một phương pháp đều có hai mặt ưu nhược, cần cân nhắc giữa hai yếu tố này trước khi lựa chọn điều trị bằng phương pháp.
Ưu điểm của phương pháp
Thời gian tiến hành nhanh: phương pháp đốt họng hạt thường được thực hiện trong thời gian từ 30-50 phút/ lần do vậy người bệnh dễ dàng sắp xếp thời gian.
Không gây đau: do trong trước khi thực hiện bệnh nhân được tiêm thuốc gây tê niêm mạc nên không cảm thấy đau.
Giảm triệu chứng nhanh chóng: do việc đốt giúp loại bỏ các hạt cộm lên trong thành sau họng, nên sau khi đốt bệnh nhân sẽ không còn cảm thấy vướng víu, khó chịu ở họng.
Điều trị tiểu phẫu đơn giản, thoải mái không khiến bệnh nhân thấy áp lực.
Không làm ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe người bệnh.
Nhược điểm của phương pháp
Chỉ có hiệu quả tạm thời: phương pháp này chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng chứ không điều trị khỏi hoàn toàn. Bệnh thường tái phát sau một khoảng thời gian nhất đi, do đó có thể người bệnh phải đốt đi đốt lại nhiều lần mà không khỏi.
Chỉ đốt được các hạt to: đốt họng hạt chỉ có khả năng loại bỏ các hạt to, còn đối với hạt nhỏ li ti thì không có tác dụng. Do vậy các hạt nhỏ này vẫn đeo bám người bệnh, dễ phát triển khiến bệnh tái phát trở lại
Gây sẹo họng: người bệnh thường phải đốt nhiều lần và mỗi quá trình đốt dễ gây tổn thương niêm mạc họng dẫn tới sẹo họng. Khi có sẹo họng, người bệnh cũng sẽ có cảm giác vướng víu khó chịu như khi bị viêm họng hạt.
Bỏng lưỡi và vùng họng: Với phương pháp đốt bằng nhiệt, nhiệt sử dụng để đốt các hạt khá cao do đó nếu xảy ra sơ xuất dễ gây bỏng các vùng trong họng. Do vậy cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín và bác sĩ có trình độ, tay nghề cao để tránh xảy ra tình trạng này.
Có thể gây nhiễm trùng: sau tiểu phẫu đốt họng hạt nếu không chăm sóc đúng cách có thể dẫn tới bội nhiễm. Do vậy sau khi đốt bệnh nhân cần đảm bảo vệ sinh răng miệng và vòm họng sạch sẽ để tránh tình trạng nhiễm trùng.
Chi phí đắt đỏ: so với việc điều trị viêm họng hạt bằng thuốc thì phương pháp này tốn kém hơn, mỗi lần đốt chi phí rơi vào khoảng 2-6 triệu, mà nhiều bệnh nhân còn thực hiện nhiều lần nên rất tốn kém.
Các kỹ thuật đốt viêm họng hạt phổ biến
Có 3 kỹ thuật đốt họng hạt được sử dụng rộng rãi là:
Đốt họng hạt bằng kỹ thuật Plasma
Kỹ thuật Plasma phóng ra các tia Plasma ở nhiệt độ thấp có khả năng phá vỡ cấu trúc mô. Do có nhiệt độ thấp nên kỹ thuật này hạn chế tình trạng chảy máu, ít gây đau và ít để lại sẹo hơn. Đây được coi là công nghệ hiện đại nhất trong các kỹ thuật đốt họng hạt
Đốt họng hạt bằng điện
Đây là kỹ thuật sử dụng điện ở nấc 6-8V để để đốt các hạt. Trước khi đốt bệnh nhân được gây tê niêm mạc hầu họng để tránh gây đau, sau khi đốt bệnh nhân được chấm họng với Betadine 5%. Phương pháp này hiện ít được áp dụng do có nguy cơ gây chảy máu trong vòm họng và để lại sẹo.
Đốt họng hạt bằng tia laser
Phương pháp này được sử dụng phổ biến nhất trong cả 3 phương pháp, sử dụng tia laser để loại bỏ các hạt trong vòm họng. Kỹ thuật đốt họng hạt bằng tia laser được tiến hành nhanh trong 10-15 phút, không gây đau đớn cho người bệnh và ít gây tổn thương vòm họng.
Rủi ro và biến chứng khi đốt viêm họng hạt
Việc đốt họng hạt có thể để lại một số rủi ro và biến chứng sau:
Chảy máu kéo dài: Do trong quá trình đốt các mô niêm mạc bị xâm lấn dẫn tới nguy cơ chảy máu. Đối với người bình thường thì tình trạng này dễ được kiểm soát, còn một số người mắc các bệnh như chậm đông máu hay tiểu đường thì có thể kéo dài nhiều ngày.
Kích thích bệnh bùng phát mạnh: do tác động từ nhiệt, laser hay tia plasma làm các hạt lympho bị kích thích và phát triển khiến bệnh tái phát trở lại.
Ngoài ra còn có nguy cơ gây sẹo họng, bỏng lưỡi và hầu họng, nguy cơ nhiễm trùng như đã nói ở phần nhược điểm của đốt họng hạt
Những lưu ý trước và sau khi đốt viêm họng hạt
Để điều trị viêm họng hạt bằng đốt họng hạt đạt hiệu quả tốt nhất và tránh để lại biến chứng, người bệnh trước khi đốt và sau khi đốt cần lưu ý một vài thông tin sau:
Trước khi đốt
Duy trì chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng kết hợp với sinh hoạt điều độ để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Sau khi đốt
Vệ sinh răng miệng và vòm họng sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.
Chia nhỏ các bữa ăn, nên ăn các thức ăn ở dạng lỏng, mềm, dễ nuốt. Hạn chế các thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ.
Sau khi đốt thời gian đầu bệnh nhân không nên la hét, nói to do gây ảnh hưởng xấu tới niêm mạc họng.
Đảm bảo sử dụng đúng và đủ các loại thuốc mà bác sĩ yêu cầu.
Tập luyện thể dục, thể thao, sinh hoạt điều độ để tăng cường sức khỏe.
Sau khi đốt họng hạt không được hút thuốc lá.
Đeo khẩu trang khi ra ngoài hay làm việc ở những môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi.
Nếu có những dấu hiệu bất thường cần báo ngay với bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Chi phí khi đốt viêm họng hạt
Không có một chi phí cụ thể cho đốt họng hạt mà chủ yếu chi phí sẽ phụ thuộc mà vào yếu tố sau:
Phương pháp đốt họng hạt: 3 phương pháp đốt sử dụng laser, nhiệt, plasma thì đều có mức giá khác nhau
Cơ sở y tế thực hiện: chi phí đốt tại các phòng khám, bệnh viện đều khác nhau tùy thuộc vào công nghệ hiện đại và trình độ, kinh nghiệm của bác sĩ tại mỗi nơi.
Tình trạng bệnh: thông thường những người bị viêm họng hạt ở mức độ nhẹ sẽ có chi phí điều trị thấp hơn do số lần đốt ít hơn, khả năng tái phát ít hơn những người bị nặng.
Chế độ bảo hiểm y tế: người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và thăm khám tại các bệnh viện đúng tuyến sẽ giúp giảm thiểu chi phí điều trị.
Thông thường chi phí đốt họng hạt trong khoảng từ 2-6 triệu tùy thuộc vào các yếu tố đã được liệt kê trên.
Đi đốt viêm họng hạt ở đâu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh?
Tại Hà Nội
- Bệnh viện Tai-Mũi-Họng Trung ương (địa chỉ tại 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội)
Đây được coi là một trong những địa chỉ hàng đầu điều trị các bệnh về họng, trong đó có viêm họng hạt. Với công nghệ máy móc hiện đại và tiên tiến cùng đội ngũ y bác sĩ trình độ tay nghề cao, bệnh viện nhận được sự tin tưởng của nhiều người dân.
- Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (địa chỉ tại số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Bệnh viện luôn phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho mọi đối tượng cùng hệ thống máy móc và công nghệ hiện đại đạt chuẩn. Do lượng bệnh nhân lớn nên bệnh viện rất đông đúc, nếu muốn khám tại bệnh viện nên đến sớm lấy số để không phải chờ lâu.
- Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec (địa chỉ tại 458 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Là bệnh viện thuộc tập đoàn Vingroup gồm 7 cơ sở trên toàn quốc. Với hệ thống dịch vụ chuyên nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế chắc chắn sẽ mang lại sự hài lòng cho người bệnh, tuy nhiên chi phí điều trị ở đây thường cao hơn so với những nơi khác.
Tại TP Hồ Chí Minh
- Bệnh viện Tai-Mũi-Họng TP Hồ Chí Minh (địa chỉ tại 155B Trần Quốc Thảo, Phường 9, Quận 3, tp Hồ Chí Minh)
Được coi là bệnh viện đầu ngành tai-mũi-họng của Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và toàn miền Nam nói chung.
- Bệnh viện Chợ Rẫy- khoa Tai Mũi Họng ( địa chỉ tại 201B Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, tp Hồ Chí Minh)
Khoa Tai Mũi Họng có hệ thống y bác sĩ trình độ chuyên môn cao, cùng với máy móc công nghệ hiện đại, chắc chắn là một địa chỉ điều trị đáng tin cậy.